Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 770

  • Tổng 2.070.217

Đưa Quảng Bình tới gần nhà đầu tư

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Được sự chấp thuận của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình phối hợp các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư năm 2023 với chủ đề “Đưa Quảng Bình tới gần nhà đầu tư”.

tm-img-alt

Quảng Bình Quan - Biểu tượng của  mảnh đất Quảng Bình.

Ngày 09/6, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1047/KH-UBND ngày 31/5/2023 của UBND tỉnh về Kế hoạch tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư 2023.

Theo đó, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 25/6/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ICC, số 11 Lê Hồng Phong, Quận Ba Đình, Hà Nội.

tm-img-alt

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình 2021.

Tham dự hội nghị dự kiến có trên 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao các nước; Đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Quảng Bình và các cơ quan, tổ chức thương mại quốc tế; các chuyên gia về kinh tế; các doanh nhân; các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.

tm-img-alt

Quảng trường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình nhằm tuyên truyền, giới thiệu những thành tựu kinh tế - xã hội, mục tiêu và các ưu tiên phát triển, tiềm năng và lợi thế phát triển như: Lợi thế về địa kinh tế; Điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam; Hệ thống các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đa dạng; Phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; Nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng; Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn. Định hướng thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững; gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có ý định tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

tm-img-alt

Hệ thống trang trại điện gió trải dài dọc bãi biển phía nam tỉnh Quảng Bình.

Thông qua sự kiện này, lãnh đạo tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư có quy mô lớn; kết hợp khởi công một số dự án trọng điểm đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Cùng đó, là cam kết của lãnh đạo và chính quyền tỉnh Quảng Bình.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2023 tỉnh Quảng Bình tại Hà Nội, cũng là dịp để tỉnh Quảng Bình giới thiệu rộng ra với các nhà đầu tư về tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình với tổng diện tích tự nhiên khoảng 8.000km2, có hệ thống giao thông đa dạng và rất thuận lợi, gồm sân bay Đồng Hới, tuyến đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh Đông và Tây, cảng biển Hòn La.

tm-img-alt

Khu công nghiệp, khu kinh tế Hòn La nằm tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Khu bến cảng Hòn La (thuộc Khu Kinh tế Hòn La) phục vụ cho Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Bình; kết hợp tiếp chuyển hàng cho nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan. Có khả năng tiếp nhận: tàu hàng tổng hợp, container, hàng lỏng/khí trọng tải đến 50.000 tấn; tàu hàng rời trọng tải đến 70.000 – 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi có đủ điều kiện, tàu khách Quốc tế 225.000 GT.

 Khu bến cảng Mũi Độc (thuộc Khu kinh tế Hòn La) quy hoạch là bến chuyên dùng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000 tấn, hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn.

Năng lực hàng hóa thông qua cảng Hòn La đến năm 2025 đạt khoảng 10,58 triệu tấn/năm và đến năm 2030 đạt khoảng 18,08 triệu tấn/năm.

Nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Bình có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, là tuyến đường ngắn nhất giao thương với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.

tm-img-alt

Sơn Đoòng là hang động tự nhiên kỳ vĩ nhất thế giới.

Ngoài ra, có tỷ lệ che phủ rừng trên 68% (xếp thứ 2 toàn quốc); Đường bờ biển dài hơn 116 km với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn, rất thuận lợi để phát triển bền vững kinh tế biển; VQG Phong Nha - Kẻ Bàng 02 lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên Thế giới vì những giá trị địa chất, đa dạng sinh học và phát triển các hệ sinh thái trên cạn; Hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới do Tổ chức Guinness thế giới công nhận; một trong 20 điểm đến phá vỡ những kỷ lục của thế giới tự nhiên (Insider, 2019 và 2020); Hệ thống sân golf ven biển đẳng cấp quốc tế đang được triển khai thực hiện (02 sân golf 18 lỗ đã đi vào hoạt động, 01 sân golf đang triển khai xây dựng); Đã hoàn thành xây dựng Cụm Trang trại Điện gió trên đất liền lớn thứ 02 Việt Nam (B&T) với công suất 252MW; và theo bình chọn của New York Times, 2014 bình chọn Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á.

tm-img-alt

Một góc nhìn từ trên cao về biển Nhật Lệ.

Với những tiềm năng sẵn có, với đường bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, còn giữ được nhiều nét hoang sơ như Đá Nhảy, Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh, Ngư Thủy, Quảng Thọ … Hạ tầng kỹ thuật và cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch đã cơ bản hoàn thiện và ngày càng được nâng cấp với 531 cơ sở lưu trú du lịch với 8.475 phòng, 3.000 nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trong đó khoảng 70% ven biển; nhiều resort, khách sạn đầu tư tiêu chuẩn 04 sao trở lên đang hoàn thiện…

Cùng đó, ngoài những sản phẩm nghĩ dưỡng biển tỉnh Quảng Bình còn có các sản phẩm nghĩ dưỡng, chăm sóc sức khỏe như Suối khoáng nóng Bang (Lệ Thủy) nhiệt độ sôi 1050C, có khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng theo mô hình Onsen (Nhật Bản); suối nước nóng Ngư Hóa; tắm bùn hang động…

tm-img-alt

Tượng đài Mẹ Suốt, chứng tích lịch sử oai hùng gắn liền với dòng sông Nhật Lệ.

Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần Nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.

tm-img-alt

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, với tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây (hướng ra biển). Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú; nơi nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.

Được biết, với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm tỉnh Quảng Bình 2023 tại Hà Nội tỉnh mong muốn sẽ có những đổi mới và mang đến luồng gió mới, cũng như kết nối để đưa nhà đầu tư đến gần hơn với Quảng Bình.

Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/

 

Các tin khác