Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 640

  • Tổng 2.070.087

BƯỚC KHỞI ĐẦU QUAN TRỌNG TRÊN CON ĐƯỜNG HIỆN THỰC HÓA QUY HOẠCH TỈNH QUẢNG BÌNH

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Như đã đưa tin, sáng ngày 25/6/2023 tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Hà Nội cùng phối hợp tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư năm 2023.

       Hội nghị diễn ra thành công để lại nhiều dấu ấn và tình cảm tốt đẹp đối với các đại biểu, doanh nghiệp tham dự. Các nội dung cơ bản về Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023; các thông tin về tiềm năng, khác biệt của Quảng Bình, các khu vực định hướng phát triển, kêu gọi đầu tư và nhiều thông tin quan trọng, cần thiết đối với các nhà đầu tư quan tâm đều đã được công bố tại Hội nghị và tiếp tục cập nhật đến doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng thông qua nhiều kênh truyền thông; đồng thời dễ dàng tìm kiếm, tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh Quảng Bình (chuyên trang https://xtdt.quangbinh.gov.vn/) và trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình (https://skhdt.quangbinh.gov.vn/).

       Quảng Bình “tiềm năng, độc đáo và khác biệt”

       Nằm ở vị trí chiến lược trên các hành lang phát triển kinh tế ở khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam, Quảng Bình là điểm đến an toàn, độc đáo và khác biệt. Với diện tích tự nhiên khoảng 8.000 km2, bờ biển dài hơn 116 km, tỷ lệ che phủ rừng trên 68% (đứng thứ 2 toàn quốc), điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý ưu đãi cho Quảng Bình có không gian thuận lợi để phát triển.

       Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ, gồm: Cảng hàng không Đồng Hới (chuẩn bị đầu tư nâng cấp), cảng biển Hòn La, Quốc lộ 1A, hai nhánh đường Hồ Chí Minh Đông và Tây, Quốc lộ 12A, đường sắt Bắc – Nam với ga Đồng Hới là ga chính, cùng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang được khẩn trương thi công, tuyến đường ven biển đang triển khai đầu tư... rất thuận tiện đi lại và giao thương trao đổi hàng hóa với các vùng, miền trong cả nước. 

       02 Khu kinh tế và 10 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, thích ứng với môi trường hợp tác, cạnh tranh. Trong đó, Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo được đánh giá là tiềm năng bậc nhất để phát triển công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo, kinh doanh thương mại dịch vụ có sức lan tỏa cả khu vực.

Vẻ đẹp kỳ vĩ của hang Sơn Đòong, Quảng Bình

       Đặc biệt, Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 02 lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới; được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với hàng ngàn hang động lớn nhỏ, nổi bật nhất là Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Quảng Bình có nhiều bãi tắm sạch, đẹp như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Đá Nhảy, Hải Ninh… với nhiều loại hải sản tươi ngon, làm cho văn hóa ẩm thực thêm đa dạng, cùng với các sân golf đẳng cấp quốc tế góp phần tạo nên chuỗi hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thể thao đặc sắc, hấp dẫn. Trên địa bàn tỉnh có suối nước nóng Bang với độ sôi tự nhiên 105oC được đầu tư thành khu du lịch sinh thái và phục hồi chức năng theo mô hình Onsen (Nhật Bản) thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; cùng nhiều di tích lịch sử, di sản văn hoá tâm linh như: đường Trường Sơn, hang Tám Thanh niên xung phong... Có thể khẳng định, Quảng Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á.

       Quy hoạch tỉnh là “cơ sở quan trọng tạo bước đột phá”

       Để biến tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình có vai trò vô cùng quan trọng nhằm xác định tư duy, tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã hết sức quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch và là tỉnh thứ 9 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình

       Quy hoạch tỉnh được xây dựng trên cơ sở tổng hợp, tích hợp tất cả các phương án phát triển do các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị… của tỉnh trực tiếp thực hiện; đảm bảo tính toán khoa học, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và có tính khả thi cao. Trong đó, xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển gồm: Hai trung tâm động lực tăng trưởng; Ba trung tâm đô thị; Ba hành lang kinh tế, Bốn trụ cột phát triển kinh tế và Ba đột phá chiến lược; đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung và tầm nhìn đến năm 2050 là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước. Quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh sẽ có sự linh hoạt, đảm bảo vừa phù hợp quy hoạch được phê duyệt vừa không gò bó các ý tưởng đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư chủ động nghiên cứu, đề xuất đầu tư các dự án.

       Cách làm “mới” về xúc tiến đầu tư

       Sau 03 năm liên tiếp Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Quảng Bình (năm 2021), tại thành phố Hồ Chí Minh (năm 2022) và tại Hà Nội (năm 2023), cho thấy khát vọng của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình mong muốn đưa tỉnh nhà ngày càng đến gần nhất với các trung tâm kinh tế lớn, quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong cả nước, mở cửa sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào mảnh đất Quảng Bình.

       Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư” đã định vị Quảng Bình gần gũi hơn với các cơ quan Trung ương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng; thể hiện nguyện vọng của người Quảng Bình mong muốn gần gũi hơn, thân thiết hơn với Thủ đô - trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế đứng đầu cả nước, mong muốn được lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội quan tâm hơn, hỗ trợ nhiều hơn về thu hút đầu tư, về hợp tác phát triển để Quảng Bình sớm hoàn thành các mục tiêu Quy hoạch.

       Tại Hội nghị, các tiềm năng, độc đáo và khác biệt của Quảng Bình đã được giới thiệu đến với đại biểu, khách mời thông qua phim tài liệu về công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, phim về du lịch Quảng Bình và các gian hàng, các khu vực trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch (khám phá hang động, du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch suối nước nóng Bang theo mô hình Onsen...); trưng bày hơn 120 loại sản phẩm đặc sắc về công nghiệp nông thôn, các sản phẩm OCOP của 50 doanh nghiệp tiêu biểu và nhiều đặc sản độc đáo, riêng có của tỉnh Quảng Bình (như Sâm bố chính Tuệ Lâm, tinh bột sắn Long Giang Thịnh, nấm linh chi Tuấn Linh, cà gai leo Cự Nẫm, tinh bột Vân Di, miến dong Sông Son, dầu lạc Trường Thủy, khoai gieo Linh Huệ, bột cháo canh Kính Hương, rượu sim Xuân Hưng, yến sào Sơn Hải, gạo hữu cơ Sông Gianh, thủy hải sản Long Tám, nước mắm Ngọc Biển….)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND  tỉnh Quảng Bình cùng các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày

       “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư” là cách làm mới về xúc tiến đầu tư, Quảng Bình không ngồi chờ mà chủ động tìm đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư, tự giới thiệu mình để tìm kiếm các cơ hội hợp tác phát triển và góp phần hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp Quảng Bình.

       Quyết tâm và cam kết của tỉnh

       Quy hoạch tỉnh Quảng Bình được phê duyệt đã mở ra tầm nhìn mới, cơ hội mới cho tương lai phát triển của tỉnh. Quảng Bình sẽ bắt tay triển khai thực hiện Quy hoạch trong thời gian sớm nhất, đồng thời cam kết nỗ lực để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng, biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực.

       Quảng Bình tiếp tục thực hiện 10 nội dung cam kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021, trong đó trọng tâm, xuyên suốt “lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “phục vụ doanh nghiệp” là kim chỉ nam hoạt động của các cấp, các ngành. Quảng Bình đã và đang nỗ lực thay đổi toàn diện, căn bản môi trường đầu tư, bảo đảm để nhà đầu tư, doanh nghiệp “đến là làm”, đầu tư đúng lộ trình, hiệu quả, tạo việc làm và sự phát triển ổn định.

Xem “sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”, tỉnh Quảng Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu quy hoạch thành hiện thực.

       Những “kết quả bước đầu” đạt được sau Hội nghị

       Sau Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư năm 2023, công tác xúc tiến đầu tư của Tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu, theo đó UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 02 dự án khu đô thị được ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại Hội nghị (tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng), hiện đang chuẩn bị các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

       Đối với một số dự án trọng điểm, động lực tăng trưởng như: (i) Dự án Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay (Cảng hàng không Đồng Hới), vốn đầu tư dự kiến 1.844 tỷ đồng, hiện đang lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương về chủ trương đầu tư dự án, dự kiến chấp thuận chủ trương đầu tư trong quý III/2023 và khởi công dự án trong quý II/2024; (ii) Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, vốn đầu tư dự kiến 50.000 tỷ đồng, đề xuất điều chỉnh công nghệ từ sử dụng nguyên liệu than sang điện khí hóa lỏng (LNG) theo quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

       Các dự án khác, các sở, ngành, địa phương đang tích cực phối hợp với nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất dự án để sớm cụ thể hóa các nội dung đã cam kết tại Hội nghị.

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình

 

Các tin khác