Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 47

  • Tổng 2.103.436

Kêu gọi doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư Dự án xây dựng Cảng biển và Khu công nghiệp Ấn Độ tại tỉnh Quảng Bình

Font size : A- A A+
 (Website Quảng Bình) - Từ những cơ sở pháp lý đầy đủ, Dự án xây dựng Cảng biển và Khu công nghiệp Ấn Độ tại tỉnh Quảng Bình là một Khu công nghiệp tổng hợp phát triển theo thế mạnh ngành nghề của các doanh nghiệp Ấn Độ, nhằm dành riêng cho nhà đầu tư nước này đến đầu tư tại Việt Nam. Cùng nhiều ưu đãi và cơ chế đặc thù, Dự án có khả năng đưa lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác cùng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh.

Vị trí quy hoạch thuận lợi
Nằm phía Nam của tỉnh, giữa xã Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam của huyện Lệ Thủy và cách thành phố Đồng Hới khoảng 50km, Dự án xây dựng Cảng biển và Khu công nghiệp Ấn Độ có diện tích dự kiến từ 2.000 - 3.000ha trở lên. Dự án cũng có vị thế thuận lợi gần Quốc lộ 1, đường Tỉnh lộ 16 nối với Quốc lộ 9B phía Cửa khẩu Chút Mút - Lả Vơn qua Nước CHDCND Lào, Cửa khẩu Mucdahan sang Vương quốc Thái Lan. Hiện, tỉnh đang đầu tư tuyến đường có mặt đường 11m, đoạn nhỏ nhất 9m, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tuyến đường này đi qua vùng đất đồi núi tương đối bằng phẳng và có điều kiện sẽ mở rộng thành tuyến đường cao tốc nối Việt Nam - Lào, Thái Lan. Đối với việc xây dựng Cảng biển, với vị trí thuận lợi có độ sâu nhất, khoảng cách bờ biển ngắn nhất, cụ thể, cách bờ biển 1.200m có độ sâu 27m và cách bờ biển 2.000m có độ sâu 27m, không bị bồi lắng, khu vực này có lợi thế lớn để xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế.
Điều kiện tự nhiên ổn định
Khu công nghiệp Ấn Độ dự kiến nằm trên vùng đất cát ven biển, địa hình tương đối bằng phẳng, có một vài đồi cát xen kẽ với các khe nước cát chảy ra biển. Địa chất tương đối ổn định, mực nước ngầm chủ yếu xuất hiện trong lớp cát pha, lớp bùn được chứa nước nhưng không đều. Mức thủy triều theo chế độ bán nhật triều. Bên cạnh đó, khu vực này có dân cư thưa thớt, nằm phân bố ở ngoài khu quy hoạch nên không vướng đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Lân cận vị trí đầu tư Dự án không có công trình kiến trúc, nhà máy, khu dân cư nên không gây ảnh hưởng về môi trường cho các dự án công nghệ cao. Đặc biệt, khu vực này có mạng lưới giao thông thuận lợi cả đường biển, đường bộ, đường sắt và đường không.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có
Hiện tại, khu vực này đã thông tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 1 và sắp tới có nhánh 2 của Quốc lộ 1 đi qua, có Trạm biến áp 3 pha ở vị trí đầu khu công nghiệp. Nơi đây vừa có thể xây dựng Cảng nước sâu cho tàu 200 - 300 nghìn tấn vào, ra để vận chuyển, trao đổi hàng hóa; đồng thời cũng có lợi thế để xây dựng Khu công nghiệp có quy mô lớn như: Khu công nghiệp luyện thép quy mô lớn, Trung tâm Nhiệt điện công suất từ 1.200 - 4.8000 MW, Nhà máy lọc hóa dầu và logichstic.
Từ các lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông tạo thuận lợi trong việc trao đổi hàng hóa, Khu công nghiệp có thể phát triển thị trường về các sản phẩm hàng hóa sản xuất nhằm hướng đến các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như những nước trong khối ASEAN đồng thời kết nối thị trường các nước trong Hiệp định TPP. Vì vậy, hiện tỉnh đang đề nghị nhà đầu tư Ấn Độ có kế hoạch phối hợp với UBND tỉnh để khảo sát xác định địa điểm, quy mô, nội dung Dự án; ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội, tài nguyên môi trường và xây dựng đúng tiến độ, sớm đưa Dự án vào hoạt động.
Nguồn Website Quảng Bình

More