Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 5988

  • Tổng 2.057.486

Dự án xi măng Văn Hoá: Điểm nhấn của ngành công nghiệp xi măng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Sau 3 năm xây dựng, đầu tháng 7 vừa qua Nhà máy xi măng Văn Hoá chính thức đốt lò và cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên, góp phần quan trọng đưa tỉnh ta sớm trở thành một tỉnh trọng điểm công nghiệp xi măng.

 Những ngày cuối tháng 9 chúng tôi đã có dịp đến thăm Nhà máy xi măng Văn Hoá. Ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam (chủ đầu tư Dự án xi măng Văn Hoá) cho biết, từ khi đốt lò đến nay dây chuyền sản xuất, máy móc của nhà máy vận hành suôn sẻ, chưa xảy ra trục trặc, hay sự cố gì. 

Nếu so với nhà máy xi măng Sông Gianh đã được ra đời cách đây 7 năm, thì xi măng Văn Hoá có công suất lớn hơn, đạt 1,6 triệu tấn clinker/năm, với tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng (xi măng Sông Gianh công suất 1,4 triệu tấn/năm) và thời gian vận hành thử cũng nhanh hơn. 

Nhà máy xi măng Văn Hoá sử dụng dây chuyền thiết bị theo công nghệ lò quay hiện đại nhất hiện nay. Gói thầu EPC, là gói thầu chính của dự án, phạm vi bao gồm “Cung cấp thiết kế, thiết bị, vật tư kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật, xây dựng và lắp đặt, chạy thử và bảo hành”, được các chuyên gia Trung Quốc thực hiện đúng tiến độ cam kết.

Toàn cảnh Nhà máy Xi măng Văn Hóa.

Trong 60 ngày vận hành thử, nhà máy đã sản xuất được 218.000 tấn clinke, sản lượng đã xuất ra thị trường 150.000 tấn. Điều đáng mừng nữa là toàn bộ clinke sản xuất thử, sau khi kiểm nghiệm 100% đều đạt tiêu chuẩn, cường độ đạt trên 50MPa, đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 7024. 

Qua giới thiệu của Tổng giám đốc Công ty, được biết dây chuyền vận chuyển, bốc dỡ của Nhà máy xi măng Văn Hoá được đầu tư chuyên dụng, vận hành hợp lý nên tránh rơi vãi trong quá trình vận chuyển. 

Đặc biệt, Nhà máy xi măng Văn Hoá đã sử dụng phương pháp lọc khói bụi dạng tay áo với hiệu suất lọc trên 98% bảo đảm nồng độ bụi trong khí thải nhỏ hơn 30 mg/Nm3 (tiêu chuẩn Việt Nam quy định nhỏ hơn 5030 mg/Nm3). Khí thải và bụi của nhà máy nghiền than, nghiền liệu và nghiền clinke đều được khử bụi bằng thiết bị lọc bụi thích hợp, tiên tiến. Các công đoạn đạp, nghiền, phân ly...đều sử dụng phòng kín làm giảm thiểu lượng bụi và tiếng ồn. 

Dự án đã quy hoạch hệ thống hàng rào bằng cây xanh dày đặc tạo sự cách ly khu vực nhà máy với môi trường xung quanh. Việc xử lý ô nhiễm nguồn nước bao gồm nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất được dự án sử dụng các thiết bị xử lý nước hiện đại. Cụ thể là, nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi kết nối vào hệ thống thoát nước chung trong khu vực. Nước thải sản xuất là nước dùng làm mát máy và các thiết bị nên được luân chuyển tuần hoàn khép kín, không thải ra môi trường. 

Nhờ đầu tư công nghệ tự động hoá cao nên số lượng cán bộ công nhân trong toàn bộ nhà máy chỉ có 180 người (trực tiếp 150, gián tiếp 30 người). Ngoài ra, nhà máy hợp đồng thêm 73 người (28 thợ bảo trì, 25 vệ sinh công nghiệp, 20 trồng cây xanh). 

Theo như lời ông Tổng giám đốc Công ty, một dự án lớn khi đi vào sản xuất không tránh khỏi những khó khăn, nhưng ở dự án xi măng Văn Hoá khó nhất là khâu vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến cảng Hòn La. Nếu công suất đốt lò của nhà máy 5.000 tấn clinke/ngày, thì phải cần 360 chuyến xe vận chuyển sản phẩm từ nhà máy ra cảng Hòn La và khoảng 50 chuyến xe vận chuyển đất sét (chất phụ gia) và than từ cảng về nhà máy. Do chi phí vận chuyển khá cao nên ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm của nhà máy. Hiện tại năng lực bốc, xuất hàng của Cảng Hòn La không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của nhà máy, nên một lượng lớn clinke phải vận chuyển ra Cảng Vũng Áng, làm cho chi phí vận tải tăng lên. 

Mặt khác, với chừng ấy lượng phương tiện vận tải và thêm một lượng xe không nhỏ của Nhà máy xi măng Sông Gianh nữa, sẽ làm cho quốc lộ 12A dày đặc xe cộ. Một khó khăn nữa ở Nhà máy xi măng Văn Hoá là, chi phí GPMB mỏ sét Đồng Trại mà nhà máy đang khai thác để làm phụ gia quá cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. 

Để tạo điều kiện cho nhà máy sản xuất thuận lợi, như lời ông Tổng giám đốc Công ty là, xin được sự hỗ trợ của tỉnh để tìm kiếm mỏ sét mới tại khu vực khác có điều kiện khai thác thuận lợi và chi phí GPMB thấp hơn. Hỗ trợ giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến công tác GPMB gói thầu cấp nước lấy từ nguồn Rào Nan về nhà máy. Tạo điều kiện cho Công ty mở cảng đường sông Hạ Trang để xuất hàng hoá qua đường thuỷ, giải quyết vấn đề giới hạn tải trọng của đường bộ. Trước mắt đề nghị UBND tỉnh can thiệp, yêu cầu đơn vị chủ quản Cảng Hòn La đầu tư nâng cao công suất phục vụ xuất hàng qua cảng. 

Với quy mô của Nhà máy xi măng Văn Hoá, mỗi năm sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho người dân địa phương trực tiếp làm việc tại nhà máy khoảng một trăm lao động và vài trăm lao động kinh doanh, dịch vụ khác gián tiếp phục vụ cho nhà máy.

Theo Báo Quảng Bình